Sự nghiệp Trịnh Nhất Tẩu

Thạch Hương Cô xuất thân là một kỹ nữ có nhan sắc. Năm 1801 bà cưới tướng cướp Trịnh Nhất, từ đó có tên gọi Trịnh Nhất Tẩu. Trong 6 năm đầu tiên chung sống, hai vợ chồng cướp biển họ Trịnh đã cùng nhau gây dựng lên đế chế hải tặc thao túng toàn bộ vùng biển từ phía Nam Trung Quốc sang đến Malaysia, gọi là Hồng Kỳ bang (bang Cờ Đỏ).

Năm 1807, Trịnh Nhất chết, quyền thừa kế hạm đội được trao lại cho Trương Bảo, con nuôi của Trịnh Nhất. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau đó, Trịnh Thị quyết định làm người tình của Trương Bảo và mặc nhiên chiếm quyền chỉ huy hạm đội cướp biển Cờ Đỏ, Trịnh Thị trao quyền chỉ huy hạm đội cho Phó Tổng tư lệnh Trương Bảo. Trong khi Trương Bảo thống lĩnh đội quân cướp thì Trịnh Thị tập trung vào việc kinh doanh, thiết lập chiến lược quân sự. Trên các chiến thuyền Cờ Đỏ của nữ tướng cướp này ngày càng đông nghịt những tên lưu manh vô lại. Đội quân với hơn 1.800 chiến thuyền lớn nhỏ và 50.000 thủy thủ có thể còn lớn mạnh hơn gấp nhiều lần lực lượng hải quân của nhiều quốc gia thời đó, đơn cử như hải quân Mỹ với 5000 thủy binh.

Công việc cướp biển cũng được mở rộng nhiều về quy mô và hình thức: cướp bóc giờ đây chỉ là phần thứ yếu bên cạnh những hoạt động khác như bắt cóc, tống tiền, bảo kê… Trịnh Thị còn vươn cả vào Trung Hoa lục địa nơi bà đã thiết lập hẳn một mạng lưới gián điệp rộng khắp và liên minh với địa chủ, chúa đất để đảm bảo nguồn cung thực phẩm.

Bà quy định rằng ăn cắp chiến lợi phẩm bị chém đầu, đào ngũ thì bị cắt tai… ngoài ra có quy định về đối xử nữ tù nhân, theo đó người nào xấu xí thì lập tức phóng thích, trả về đất liền. Những cô xinh đẹp còn lại sẽ được đem ra đấu giá trước toàn thể hải tặc trên chiến thuyền, ai mua được sẽ được tổ chức làm lễ cưới. Và nếu như gã nào có ý định lừa dối phản bội người tình, hắn sẽ bị bà xử quyết.